Họa sĩ Lâm Chiêu Đồng với nghệ thuật tranh xé dán giấy

Nắng mai
Cũng giống như các thể loại khác, tranh xé dán giấy cho phép người họa sĩ thể hiện tác phẩm của mình theo nhiều phong cách khác nhau. Ở trường hợp của họa sĩ Lâm Chiêu Đồng, mặc dù thiếu các yếu tố để đối chiếu và so sánh, song, ấn tượng về các tác phẩm của anh nhìn chung là rất đẹp. Thuộc trường phái hiện thực, tác phẩm của anh tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản về bố cục và hình khối, đường nét và màu sắc. Tuy nhiên, phong cách Lâm Chiêu Đồng đã có thể xác định qua hai yếu tố nổi bật, đó là kỹ thuật thể hiện và nghệ thuật phối màu.
Tranh xé dán giấy có những đặc điểm rất gần với tranh sơn dầu, đặc biệt là trong việc sử dụng những gam màu mạnh. Ở thể loại sơn dầu, một tác phẩm được coi là đẹp khi màu sắc thể hiện trong tác phẩm đó một mặt tạo ra được sự tương phản trong các chi tiết, mặt khác vẫn đảm bảo được tính logic và sự hài hòa trong cảm nhận về tổng thể. Tranh xé dán giấy của Lâm Chiêu Đồng đã làm được điều đó. Các tác phẩm của anh gợi lên những trạng thái tình cảm đẹp và êm đềm trong thế giới nội tâm con người. Đó có thể là sự choáng ngợp trước vẻ đẹp lộng lẫy của hoàng hôn trong rừng tràm, là cảm xúc bâng khuâng và xao xuyến khi có một ngày bất chợt bắt gặp mùa thu nhẹ nhàng về trên phố vắng... Một khi đi sâu vào phân tích các chi tiết, ta mới nhận thấy rằng, nghệ thuật phối màu của anh đạt đến sự điêu luyện và mức độ nhuần nhuyễn đáng kinh ngạc mà chất liệu màu nước hay sơn dầu chưa dễ đạt được: Sắc rêu phong trên các bức tường cổ, những bóng mây lướt trên mái phố, ánh đèn đêm ấm áp thấp thoáng trong các căn nhà nhỏ, cây lá xào xạc đón gió hay mặt nước lay động phản chiếu bóng cỏ cây hoa lá... Tất cả đều rất thật, rất đẹp, rất khó quên. Như vậy, nghệ thuật tranh xé dán đã đưa kỹ năng phối màu của Lâm Chiêu Đồng lên đến đỉnh cao.

Ngay từ khi mới tham dự triển lãm Mỹ thuật tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2001, Lâm Chiêu Đồng đã đoạt được nhiều giải thưởng. Ba tác phẩm tranh xé dán giấy là Rừng tràm, Tĩnh vật và Xuân ca đều đạt giải Khuyến khích. Cũng trong năm này, anh còn đoạt được giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ 6 tổ chức tại Cà Mau với tác phẩm Quê hương còn mãi màu xanh. Năm 2002, Lâm Chiêu Đồng đoạt giải Khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ 7 tổ chức tại Long An với tác phẩm Phục sinh. Sau đó, tác phẩm này được chọn triển lãm tại Hà Nội, tiếp tục đoạt được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Năm 2004, anh đoạt giải Ba tại Triển lãm Mỹ thuật Vĩnh Long với tác phẩm Bầu trời tuổi thơ. Năm 2005, tác phẩm Mùa quê khô khát của anh cùng lúc đoạt được hai giải thưởng, đó là giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật ĐBSCL lần thứ 10 tổ chức tại Trà Vinh và giải tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Trong cuộc sống đời thường, bên cạnh việc mưu sinh và sáng tác, Lâm Chiêu Đồng rất thích đi du lịch. Bản chất nghệ sĩ sâu sắc, Lâm Chiêu Đồng ưa rong ruổi một mình trên những nẻo đường đất nước. Với anh, đi là để khám phá, khám phá thiên nhiên, khám phá cuộc sống, khám phá con người. Ấn tượng về những chuyến đi ấy sau này luôn ngưng tụ lại trong các sáng tác của anh, điển hình như các tác phẩm Phố cổ, Chợ sau mưa, Rừng tràm, Xóm mới...
Một điều đáng tiếc rằng, có những giai đoạn mà gánh nặng cơm áo giữa đời thường đã khiến anh không thể dành toàn bộ tình yêu cho công việc sáng tác. Bằng không, với tài năng ấy, Lâm Chiêu Đồng sẽ còn để lại cho đời hơn rất nhiều những gì mà ngày hôm nay chúng ta biết về anh.
THU HÀ
Đào Thị Nhung @ 14:52 21/11/2009
Số lượt xem: 896

- SƯƠNG MAI BÊN SÔNG (16/11/09)
- 10 năm để có 80 ảnh hoa điện mê hồn (10/11/09)
- Cô gái “cát” gây sửng sốt trên YouTube (28/10/09)
- Nữ họa sĩ lưng còng với gần 2000 bức tranh (27/10/09)
- Hội họa cung đình (24/10/09)
Các ý kiến mới nhất