Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Âm nhạc thiếu nhi đang tụt hậu
Nỗi buồn thế hệ
Bước sang tuổi 83, những ca khúc viết cho thiếu nhi của ông cách đây hơn 40 năm vẫn được bao thế hệ thiếu nhi hát. Nghe đến nhạc thiếu nhi đáng lý ông phải hạnh phúc, tại sao ông vẫn nặng lòng?
- Cách đây 7 năm, Nhà xuất bản Kim Đồng chọn in tuyển tập "Nhạc sĩ Phạm Tuyên và 100 bài hát thiếu nhi". Bốn năm sau họ lại hỏi tôi: Bác còn bài nào nữa không? Tôi gửi thêm 100 bài và in thành tuyển tập 200 bài hát thiếu nhi của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bên cạnh niềm hạnh phúc của một người có nhiều nhạc phẩm được công chúng biết đến, sống dài theo năm tháng là nỗi buồn man mác của ông già nhìn bức tranh âm nhạc thiếu nhi hiện nay mà bất lực. Khi cho in nhạc phẩm đó rồi, tôi vẫn luôn tự chất vấn mình, trẻ con ngày nay phát triển hơn hẳn so với thế hệ 30 - 40 năm trước, vì các cháu được tiếp cận với internet, với các thông tin quốc tế. Trong khi đó cứ bắt thiếu nhi hát những bài "Con cò bay lả bay la", "Con ong nó lượn vườn cà"… liệu có còn phù hợp. Bây giờ, mỗi lần bật yourtube là tôi giật mình về các nhạc phẩm biến tấu, nửa tiếng Anh, nửa tiếng Việt. Tiếng Anh không ra tiếng Anh, tiếng Việt không có vần điệu, tiết tấu sôi động nên trẻ con vẫn hát.
Những nhạc phẩm dành cho thiếu nhi chủ yếu là người lớn sáng tác mà người sáng tác không có khả năng tiếp cận với đối tượng này?
- Tôi quan điểm ở góc độ nghệ thuật, nhạc thiếu nhi và nhạc người lớn bình đẳng, hay người ta nhớ, dở người ta quên. Đừng nghĩ cái gì người lớn không sử dụng được thì đưa trẻ em. Viết cho lứa tuổi thiếu nhi vừa dễ lại vừa khó. Đề tài viết về thiếu nhi rất phong phú nhưng người nhạc sĩ phải sống, chơi với chúng mới hiểu được. Đặc biệt, người nhạc sĩ không thể suy diễn từ thế hệ người lớn cho thiếu nhi. Để biến từ cái khó thành dễ không có cách nào khác là phải bỏ công nghiên cứu.
Ở thời kỳ của mình, ông đầu tư những gì để viết cho thiếu nhi?
- Một kiến trúc sư người Nhật Bản từng nói: "Nghiền nát truyền thống để nó biến vào máu mình mà sáng tác". Câu này có nghĩa là không chỉ mô phỏng, nhại truyền thống mà phải làm thế nào biến truyền thống thành của mình. Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi lục tìm các bài đồng dao, nhưng vì không thể bắt trẻ em của thời chúng tôi hát đồng dao như các cụ nên tôi thổi vào đó những tiết tấu. Thời kỳ ấy, tôi tìm được mấy trăm bài đồng dao, khi thổi tiết tấu mới lại có một nhạc phẩm phù hợp mang tâm hồn dân tộc. Những bài như: "Bà còng đi chợ trời mưa", "Gánh gánh gồng gồng"… đến tận bây giờ trẻ con vẫn thích. Hiện nay những dạng bài như thế hơi ít, nếu không đáp ứng nhu cầu thì các cháu sẽ đi tìm âm nhạc nước ngoài.
Hiện nay, xã hội quan tâm mở ra một số sân nhạc dành cho thiếu nhi, thu hút sự chú ý của trẻ em và người lớn như chương trình "Đồ rê mí" của VTV3. Vì sao ông lại phản biện rất mạnh về chương trình này?
- Tôi hoan nghênh Đài Truyền hình Việt Nam vì đã tổ chức ra chương trình "Đồ rê mí", tạo sân chơi âm nhạc cho các em. Nhưng nói thật, tôi nhận thấy ở sân chơi đó giám khảo làm trò nhiều hơn là suy tính đến ý nghĩa giáo dục. Họ làm trò cho trẻ em xem và bắt chúng diễn cho người lớn xem. Ví như có lần chương trình dựng màn hát "Thị Màu lên chùa". Những người thực hiện đã bao giờ đặt câu hỏi khi hát "Thị Màu lên chùa" thiếu nhi có hiểu không, hay là nghĩ ra việc yêu cầu thiếu nhi làm trò cho người lớn.
Gỡ thế tụt hậu
T.Ư Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Âm nhạc Hà Nội đã bắt đầu phát động những cuộc thi viết về thiếu nhi. Tại sao bức tranh về âm nhạc thiếu nhi vẫn đìu hiu vậy, thưa ông?
Mỗi lần T,Ư Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Âm nhạc Hà Nội phát động cũng có vài trăm bài dự thi gửi về nhưng chất lượng thì thật đáng bàn. Nhiều bài hát đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ nhưng không có ý nghĩa giáo dục. Cụ thể: Năm 2007 là bài "Anh Hai" đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhưng lại rất phản cảm với những ngôn từ như: Tại sao má lại sinh anh Hai trước con, để cho mỗi lần mắc gì sai lầm anh lại béo tai con…; hay bài "Trách ông thầy giáo": Trách mỗi lần mình mắc sai lầm, tặng con zero. Ghét ông thầy giáo; hoặc bài hát có câu: "Bạn ơi hãy chùi mũi cho sạch…". Dù âm nhạc rất ngộ nghĩnh nhưng rất phản nghệ thuật.
Nếu tâm huyết viết cho trẻ em sẽ có tác dụng lớn. Nếu trân trọng các cháu khi viết sẽ đề cao yếu tố chất lượng. Ngày tôi viết "Tiến lên đoàn viên", "Chiếc đèn ông sao"… đều bám sát vào cuộc sống để những nhạc phẩm đó có sức sống trong lòng trẻ em và người yêu nhạc. Nên từ thế hệ đầu tiên hát "Tiến lên đoàn viên" đến nay đã hơn 60 năm, nhạc phẩm đã trở thành bài truyền thống của Đoàn thanh niên. Hay mỗi dịp Trung thu là trẻ em lại hát "Chiếc đèn ông sao". Không chỉ có thiếu nhi Việt Nam hát bài này mà cả thiếu nhi của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga… chọn hát. Âm nhạc là bình đẳng, nếu bài hay trẻ con thích người lớn cũng sẽ thích. Ví như NSND Trần Hiếu đi đâu cũng hát bài "Chú voi con ở bản Đôn", cố NSND Lê Dung thì hát "Cánh én tuổi thơ"...
Cũng có thêm lý do là âm nhạc cho thiếu nhi không phải là thứ âm nhạc hái ra tiền, nên gây khó khăn cho các hội chuyên ngành âm nhạc trong quá trình vận động sáng tác?
- Thời nay, nhạc sĩ được học hành bài bản nhưng không thích viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Vì viết cho lứa tuổi này không kiếm ăn được, dàn dựng lại vất vả. Trong khi đó, nhạc sĩ chọn viết bài cho ca sĩ bắt đầu nổi tiếng là nhận được tiền nhuận bút cao. Đã có lần tôi gặp nhạc sĩ Phương Uyên và hỏi, có bao giờ các em nghĩ bài hát của mình sống bao lâu không? Cô ấy thản nhiên trả lời rằng, ít khi đặt câu hỏi đó, chỉ biết người ta trả tiền rồi thì thôi. Sức sống hay không thì tùy người ta, người ta hát nhiều hay ít tùy ca sĩ. Còn một phép so sánh nữa rất bất lợi cho âm nhạc thiếu nhi là hiện nay không thiếu các tỉnh vận động sáng tác bài về địa phương, giá trị giải thưởng có khi bằng cả chiếc ôtô. Nếu cứ so sánh vậy, âm nhạc thiếu nhi đang rơi vào thế khó.
Sự nghèo nàn của âm nhạc thiếu nhi đang là căn bệnh của toàn xã hội. Theo ông, để giải quyết tận gốc căn bệnh này cần làm gì?
- Quỹ thời gian dành cho thế hệ những nhạc sĩ tuổi tôi không còn nhiều nên dựa cả vào thế hệ nhạc sĩ trẻ. Để có những nhạc phẩm thiếu nhi hay ngoài sự động viên của cả xã hội, thì nơi đáng gõ cửa nhiều nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo và T.Ư Đoàn, cũng không thể thiếu sự tham gia của các tổ chức Hội như: Hội đồng Đội, Hội Phụ nữ. Khi tổ chức cho nhạc sĩ đi thực tế lấy cảm xúc cũng cần phải tươm tất, không nên luộm thuộm như hiện nay. Thế hệ chúng tôi, viết cho thiếu nhi có công cán gì, mỗi lần có sự kiện gì của thiếu nhi, các nhạc sĩ như đều được mời tham gia rất trân trọng. Khi nhạc sĩ được trân trọng thì họ dốc lòng.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ!
Đào Thị Nhung @ 16:13 19/02/2012
Số lượt xem: 873
- NHỮNG CA KHÚC BẤT HỦ CHO LỄ TÌNH NHÂN (08/02/12)
- Mùa Xuân Ơi! (31/12/11)
- Đón chào năm mới cùng bài hát huyền thoại HAPPY NEW YEAR (27/12/11)
- Top 10 ca khúc Giáng sinh kinh điển (30/11/11)
- NHỮNG CA KHÚC VỀ THẦY CÔ NHÂN NGÀY 20/11 (12/11/11)
Các ý kiến mới nhất